BÌNH THUẬN TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2022

Thời gian qua, tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến hết sức bất thường, gây ra những thiệt hại to lớn về người và tài sản tại một số địa phương. Dự báo trong thời gian tới, thiên tai, bão lũ có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là của các ngành, các địa phương và sự chủ động phòng tránh, ứng phó của người dân, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Mưa lớn gây ra tình trạng ngập lụt tại nhiều tuyến đường ở Bình Thuận

Từ đầu năm 2022, thiên tai tiếp tục bất thường (mưa lũ giữa mùa khô kèm dông lốc, sóng lớn tại Trung Bộ; mưa lớn gây ngập úng nhiều đô thị; rét lịch sử cuối tháng 02 năm 2022; động đất liên tiếp tại Kon Tum). Riêng đối với Bình Thuận, tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh tuy không phức tạp nhưng cũng rất khó lường, trên biển không có bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động nhưng gió mạnh, sóng lớn cũng ảnh hưởng đến khai thác hải sản và giao thông trên biển. Trong tháng 2 và 3/2022, đã xảy ra mưa to kèm gió lốc xoáy, sét đánh ở Đức Linh và Tánh Linh, làm chết người, tốc mái nhà cửa, sản xuất nông nghiệp; cuối tháng 3 xảy ra mưa lớn làm sạt lở đất cát tại 2 xã Hồng Phong và Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, gây ách tắc giao thông tuyến đường ĐT 716. Cuối tháng 4, đầu tháng 5 (ngày 30/4 - 01/5) xảy ra mưa to gây ngập úng nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc, sạt lở đất đá gây ách tắc giao thông tuyến Quốc lộ 28B Lương Sơn - Đại Ninh. Từ ngày 20 - 22/5, trên địa bàn huyện Tánh Linh xảy ra mưa to, làm ngập lụt 50 căn nhà tại xã Bắc Ruộng, tốc mái 04 công trình phụ, làm ngập hơn 370 ha sản xuất nông nghiệp, sạt lở gây hư hỏng nhiều công trình cơ sở hạ tầng.

Hình ảnh về cứu hộ ngư dân bị nạn trong vụ chìm tàu cá xảy ra vào ngày 10/7

 

Tuy nhiên, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng còn những hạn chế, đặc biệt khi xảy ra tình huống thiên tai, sự cố phức tạp, công tác chỉ huy, chỉ đạo có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; phương châm “bốn tại chỗ” chưa được quan tâm đầy đủ, có nơi còn hình thức; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu trước sự tàn phá của thiên tai; lực lượng xung kích ứng cứu không được tập luyện, diễn tập và thiếu trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; vẫn còn tình trạng bất cẩn, chủ quan dẫn tới những thiệt hại đáng tiếc về người trong bão, lũ, tai nạn, sự cố trên biển; công tác khắc phục hậu quả thiên tai triển khai còn chậm, thiếu nguồn lực, kinh phí nên xử lý không dứt điểm.

Để chủ động phòng chống, ứng phó phó kịp thời và có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước do thiên tai gây ra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/6/2022 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022; theo đó, chỉ đạo các Sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Phòng, chống thiên tai, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và các văn bản liên quan nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của người dân về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Xây dựng phương án, kế hoạch nhiệm vụ năm 2022 thật cụ thể, sát với thực tế, loại hình thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai đã xảy ra và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, từng khu vực nhằm chủ động ứng phó, phòng ngừa nhanh, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; chủ động công tác cứu hộ, cứu nạn, di dời người và tài sản bảo đảm an toàn trước, trong và sau thiên tai.

Chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm “bốn tại chỗ” về lực lượng, phương tiện và các trang thiết bị, nhu yếu phẩm; đồng thời, phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy nhằm chủ động chỉ đạo, phối hợp chỉ huy công việc đạt hiệu quả cao. Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, nhất là các quy hoạch, dự án phát triển khu đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, bố trí, sắp xếp dân cư phù hợp với đặc điểm thiên tai từng vùng, từng địa phương, từng ngành; bảo vệ, chăm sóc, trồng và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển.

Nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn, chú trọng công tác phối hợp giữa các lực lượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn, trong đó xác định lực lượng vũ trang làm nòng cốt, công tác cứu hộ cứu nạn.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho nhân dân về các loại hình thiên tai, các kinh nghiệm và kiến thức phòng tránh, nhất là việc chủ động phương án ứng phó, khắc phục hậu quả với bão mạnh, siêu bão, lũ lớn kết hợp xả lũ hồ chứa. Đồng thời, xác định phòng chống, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT