Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số: YÊU CẦU CẤP BÁCH

Những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 03/6/2002 của Tỉnh uỷ (khóa X) về xây dựng và phát triển toàn diện về dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS tỉnh Bình Thuận có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống của đại bộ phận đồng bào DTTS được cải thiện, hộ nghèo giảm, bộ mặt xã hội có khởi sắc, nhận thức của cán bộ ở xã và đồng bào trong cách nghĩ, cách làm, tự chủ vươn lên trong lao động sản xuất có chuyển biến tiến bộ hơn; hệ thống trường lớp được quan tâm đầu tư nâng cấp; đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa, chất lượng dạy và học được nâng lên; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm; công tác đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm tiếp tục được quan tâm.

Tuy nhiên, công tác phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS vẫn còn một số khó khăn. Tỷ lệ lao động được đào tạo và có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp; nhận thức, kỹ năng thích ứng môi trường, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu thực tiễn. Chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều bất cập. Do đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS là một yêu cầu cấp bách.

Lớp học vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Lớp học vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS là chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước; được thực hiện trong một tiến trình lâu dài, với nhiều khó khăn, thách thức. Song, đây là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu cần tập trung thực hiện, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho vùng đồng bào DTTS phát triển một cách bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp căn cơ, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, sự hỗ trợ tích cực của cả cộng đồng, nhất là sự phấn đấu tự vươn lên của đồng bào các DTTS. Theo đó, trong thời gian tới các ngành, các cấp, các địa phương cần tiếp tục củng cố, nâng cấp các trường dân tộc nội trú huyện, tỉnh; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo cho học sinh DTTS để đảm bảo có chất lượng cao, phát triển đội ngũ giáo viên người DTTS. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho học sinh các DTTS ở trường dân tộc nội trú, học sinh, sinh viên ở vùng đặc biệt khó khăn; học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở; sinh viên là người DTTS.

 Đẩy mạnh thực hiện Nghị định của Chính phủ về chăm sóc hỗ trợ cho phụ nữ DTTS nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa khi sinh con theo đúng chính sách dân số trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế đối với ngưởi DTTS theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Tiếp tục triển khai các chính sách của Trung ương về ưu tiên cho trẻ em là con của hộ nghèo từ sơ sinh đến 3 tuổi được hỗ trợ về dinh dưỡng (uống sữa miễn phí) theo điều kiện thực tế và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh. Mở rộng dịch vụ tư vấn khám sức khỏe miễn phí cho tất cả người DTTS ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn theo quy định. Tập trung nâng cao thể lực vùng đồng bào DTTS. Giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đến năm 2020 xuống 20%, năm 2030 là 12%. Phấn đấu đến năm 2020 nâng tuổi thọ bình quân của người dân tộc thiểu số của tỉnh lên 72 tuổi, năm 2030 khoảng 74 tuổi gần tuổi thọ bình quân của cả nước. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2020 còn dưới 20% và năm 2030 xuống 10%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi năm 2020 tối đa là 25% và năm 2030 còn dưới 15%.

Tiếp tục rà soát các danh mục nghề đào tạo, xây dựng chương trình giáo dục nghề nghiệp phù hợp với trình độ của người DTTS trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ học sinh DTTS học nghề tại trường Cao đẳng nghề Bình Thuận. Tăng cường cung cấp thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh và mở rộng tư vấn, hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động người DTTS. Tập trung nâng cao và phát triển trí lực đến năm 2020, có ít nhất 25% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non, tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng tuổi bậc tiểu học là 99,9%, trung học cơ sở 97% và 60% người trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương. Đến năm 2030 tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng tuổi gần với bình quân của cả nước ở tất cả các cấp học. Phấn đấu đến năm 2020, số sinh viên người DTTS đạt từ 130 đến 150 sinh viên/vạn dân (người DTTS), năm 2030 đạt từ 200 đến 250 sinh viên/vạn dân. Đào tạo về trình độ chuyên môn nghiệp vụ sau đại học cho người DTTS giai đoạn 2016 – 2020 đạt tỷ lệ 0,4%, giai đoạn 2020 – 2025 đạt tỷ lệ 0,5%, phấn đấu đến giai đoạn 2025 – 2030 đạt tỷ lệ 0,7%. Tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 đạt 50%, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ tương ứng là 70% và 45%. Đến năm 2020, phấn đấu có 55%, năm 2030 đạt 75% số lao động người DTTS trong độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi được cung cấp thông tin thị trường lao động, tìm được việc làm nhằm nâng thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020./.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT