Thường trực Tỉnh ủy dự Diễn đàn Phát triển bền vững Kinh tế biển Việt Nam năm 2022

Sáng ngày 12/6/2022, đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh dự Diễn đàn Phát triển bền vững Kinh tế biển Việt Nam năm 2022 do Ban Kinh tế Trung ương Đảng tổ chức tại tỉnh Phú Yên. Diễn đàn do đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng chủ trì.

(Đại biểu tham dự diễn đàn)

Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Phạm Đại Dương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên; Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà; Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng; Bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các chuyên gia khoa học; lãnh đạo các tỉnh, thành phố ven biển…

Chia sẻ tại diễn đàn, đồng chí Lê Minh Ngân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, các ngành kinh tế biển từng bước trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó du lịch biển đảo mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước; vận tải hàng hóa đường biển đạt 85,1 triệu tấn; sản lượng khai thác dầu khí đạt 18,43 triệu tấn; sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.920 nghìn tấn; nuôi trồng đạt 4.805,8 nghìn tấn; có 35 dự án điện đang nghiên cứu và triển khai với tổng công suất dự kiến lên đến 60 GW. Kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, mạng lưới giao thông được quan tâm đầu tư, bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các khu công nghiệp, đô thị, các vùng biển với các cảng biển dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây giữa các vùng trong nước và với quốc tế. Cả nước hiện có 18/19 khu kinh tế ven biển, đã hình thành chuỗi đô thị biển với gần 600 đô thị (chiếm 8% số lượng đô thị cả nước). Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế: Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững vẫn đang trong quá trình hoàn thiện; các phương thức quản lý biển tiên tiến còn chậm được áp dụng; việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng biển, đảo còn dàn trải, thiếu chiều sâu…

Phát biểu kết luận tại diễn đàn, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng nhấn mạnh: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao và thống nhất nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về biển, đảo, về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển; tập trung rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới hệ thống pháp luật về biển và hải đảo; từng bước thực hiện đầy đủ, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Nghị quyết số 26/NQ-CP, ngày 05/3/2020 của Chính phủ về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, từ đó tạo sự đồng bộ trong việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm tính thống nhất, khả thi, phù hợp với chuẩn mực luật pháp và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo và phát triển kinh tế biển, trọng tâm là quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng biển, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia. Tiếp tục đầu tư, hiện đại hóa đô thị biển, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối phát triển kinh tế biển giữa các địa phương; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trong hoạt động nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản; đầu tư công nghệ, kỹ thuật hiện đại để nuôi trồng thủy sản xa bờ; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật trong khâu chế biến, bảo quản và xuất khẩu thủy sản, tạo động lực phát triển ngành thủy sản theo hướng tiềm năng, lợi thế. Bên cạnh đó, cần chú trọng bảo vệ hệ sinh thái biển, đảo; phục hồi và phát triển các khu, hệ sinh thái bị suy giảm, kiểm soát chặt chẽ cácchất thải có nguồn gốc từ đất liền và từ biển, đảo, nguồn thải từ hoạt động giao thông vận tải, dịch vụ du lịch, nguồn thải từ hoạt động nuôi trồng đánh bắt thủy sản. Tích cực khắc phục và tuân thủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không tuân thủ quy định để sớm hoàn thành việc gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban Châu Âu. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế biển bền vững./.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT