CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ: CỨU CÁNH CHO HỘ NGHÈO

Chính sách tín dụng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện các chủ trương giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. 

Tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm trồng thanh long

Từ thực trạng tình hình điểm xuất phát về kinh tế - xã hội tại các vùng đồng bào DTTS thấp, đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao đã đặt ra không ít thách thức đối với địa phương trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững, đặc biệt là chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS. Trong những năm qua, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X) và Chương trình hành động số 33-NQ/TU, ngày 24/02/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tính đến đầu năm 2017, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội là 28.633 triệu đồng; tổng dư nợ cho vay hộ đồng bào DTTS đạt 231.634 triệu đồng/10.301 hộ, chiếm 48,42% hộ DTTS toàn tỉnh, được thực hiện chủ yếu thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, tập trung vào các chương trình tín dụng lãi suất thấp (từ 0,1%/tháng đến 0,55%/tháng) với nhiều ưu đãi đặc biệt về điều kiện cho vay, thời hạn cho vay để các hộ đồng bào DTTS yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh, trồng trọt chăn nuôi, ổn định cuộc sống, thoát được nghèo, vươn lên làm giàu. Tính chung, từ năm 2014 đến năm 2016, vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp 8.861 hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS thoát nghèo. Điển hình là hộ ông K Văn Ghẹo, dân tộc K ho, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc, nhờ đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội và cần cù, chịu khó học hỏi đã vươn lên, thoát cảnh đói nghèo, hiện tại gia đình có 3,5 ha đất, thu nhập bình quân hàng năm trên 150 triệu đồng hoặc hộ ông Cáp Kim Thành, tại thôn 4, xã Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh, nhờ 10 triệu đồng vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban đầu để mua thêm ruộng và trâu để cày bừa, kéo lúa, đến nay gia đình đã có 8 ha đất, 04 máy bơm nước công suất D24 - D28, 01 máy xới, 02 máy cày, 01 máy gặt đập liên hợp, thu nhập hàng năm trừ chi phí còn từ 450 – 500 triệu đồng... Những kết quả trên đã góp phần thực hiện chủ trương giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn nhận bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Khó khăn trước hết, đó là kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, nhiều tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào DTTS chưa được khai thác; một số chương trình tín dụng đã ban hành nhưng triển khai chậm do chưa bố trí đủ vốn để cho vay ưu đãi; còn một số lớn hộ đồng bào DTTS không có đất canh tác nên khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay; trình độ và kiến thức của đại đa số đồng bào DTTS còn hạn chế, tâm lý còn trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước phần nào đã ảnh hưởng đến việc đầu tư sản xuất kinh doanh và trả nợ vay ngân hàng…

Nhằm mục tiêu hàng năm đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 01 – 1,2%, thiết nghĩ trong thời gian tới HĐND tỉnh, UBND tỉnh và HĐND, UBND cấp huyện tiếp tục xem xét, cân đối bố trí thêm vốn để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với các đối tượng chính sách trên địa bàn; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2016 – 2020 tại địa phương và tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm, thời gian làm việc của Ngân hàng chính sách xã hội tại các điểm giao dịch. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng ưu đãi, các chương trình tín dụng chính sách… đến các tầng lớp nhân dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS; đồng thời, chú trọng công tác tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh tốt nhằm giúp cho đồng bào DTTS sử dụng vốn vay hiệu quả. Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh, các huyện, thị, thành ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác rà soát nhu cầu vay vốn của hộ đồng bào DTTS, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, không để hộ nghèo là đồng bào DTTS có đủ điều kiện, có nhu cầu nhưng chưa được tiếp cận các nguồn vốn vay; đồng thời, làm tốt công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát vốn vay và tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS tiếp cận vay vốn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hy vọng với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và cả cộng đồng, các mục tiêu, chỉ tiêu về chính sách tín dụng vùng đồng bào DTTS của tỉnh Bình Thuận sẽ thành hiện thực, là cứu cánh cho hộ nghèo, góp phần thực hiện chủ trương giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT