Một số kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới” tại tỉnh Bình Thuận

An toàn thực phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển thể lực, sức khỏe con người, sự duy trì nòi giống của dân tộc và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 21/10/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm, công tác an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới ở tỉnh Bình Thuận đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU và Kế hoạch số 55-KH/TU để triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị số 08-CT/TW và Kết luận số 11-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về ATTP. Các cấp ủy, chính quyền đã triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, kết luận chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ về ATTP. Qua đó, nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan ATTP được nâng lên rõ nét. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đều chấp hành nghiêm túc các quy định về ATTP; đến cuối năm 2020 toàn tỉnh đã có 74 cơ sở được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến HACCP, ISO; 89,3% cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; có 46 địa điểm kinh doanh trên địa bàn tỉnh được cấp 61 giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho với 404 sản phẩm được xác nhận (thủy sản: 296 sản phẩm, nông sản động vật 8 sản phẩm và nông sản thực vật: 100 sản phẩm); công tác lấy mẫu, lưu mẫu giám sát được tăng cường. Sự phối hợp liên ngành trong tổ chức, triển khai công tác ATTP ngày càng chặt chẽ; nhờ đó, công tác triển khai thực thi pháp luật, cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATTP đảm bảo đúng quy định.

Công tác tuyên truyền, phổ biến về bảo đảm ATTP được triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và được duy trì qua nhiều kênh thông tin để truyền tải đến các tổ chức, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Tổ chức các chiến dịch truyền thông về ATTP các tháng điểm: “Tháng cao điểm về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán”, “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh ATTP”. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, nhất là sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng có liên quan như Y tế, Công thương, Công an, Khoa học và công nghệ, Quản lý thị trường. Tổ chức các đợt thanh tra cao điểm vào dịp Tết Nguyên đán, “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh ATTP”, tết Trung thu.... Nhờ đó, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt các quy định pháp luật và quan tâm hơn các điều kiện về ATTP. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thường xuyên tăng cường công tác giám sát việc bảo đảm ATTP ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho đoàn viên, hội viên trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng, xây dựng các mô hình như: “Tổ phụ nữ tuyên truyền về ATTP”, “Tổ phụ nữ hạn chế dùng túi nilon”, “Phụ nữ sản xuất - Tiêu dùng sạch”, “Tổ 5 không, 3 sạch”, "Tổ phụ nữ kinh doanh thực phẩm an toàn", “Tổ sản xuất rau an toàn”,“Sản xuất lúa an toàn”; ký cam kết thực hiện 03 không: “Không sản xuất rau không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục”; …

Công tác xã hội hóa ATTP được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Việc xây dựng các mô hình, dự án, hỗ trợ các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP ngày càng mở rộng (diện tích thanh long được chứng VietGAP, GlobalGAP đạt 9.850 ha; rau 135.5 ha; lúa 60 ha và 1.485 ha các loại quả; 3 cơ sở chăn nuôi được công bố VietGAP; 128 ha nuôi tôm được chứng nhận GlobalGAP, ACC). Tỉnh đã quy hoạch các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm, chế biến, kinh doanh thực phẩm với quy mô tập trung gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và việc chứng nhận đủ điều kiện ATTP, chứng nhận hợp quy, phù hợp chất lượng hàng hóa theo quy định. Các mô hình điểm bảo đảm ATTP tại các khu du lịch, các hàng quán kinh doanh ăn uống, các bếp ăn tập thể... đạt hiệu quả cao, đến nay chưa xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm.

Trong thời gian tới, công tác ATTP sẽ tiếp tục chịu sự tác động của nhiều yếu tố, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường; quá trình đô thị hóa khiến cho chất lượng môi trường ở nhiều nơi xuống cấp, nhất là các khu công nghiệp, làng nghề; sự hội nhập, hợp tác quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường; bên cạnh đó, yêu cầu người dân về ATTP ngày càng cao, đòi hỏi công tác ATTP ngày càng phải chặt chẽ hơn, thích ứng với xu hướng phát triển của thời đại hơn, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATTP ngày càng khắt khe và minh bạch hơn.

Để góp phần triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, thiết nghĩ trong thời gian tới công tác ATTP cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chỉ thị 08-CT/TW, Kết luận số 11-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ATTP đối với sức khỏe con người. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ATTP. Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh các các trường hợp vi phạm pháp luật về ATTP; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý về ATTP. Thứ ba, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư vào lĩnh vực lương thực, thực phẩm an toàn, bảo đảm các tiêu chuẩn về chất lượng. Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất tập trung liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương. Thứ năm, quản lý chặt chẽ vệ sinh ATTP đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống…; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm vệ sinh ATTP. Thứ sáu, phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác giám sát các quy định về ATTP. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP gắn với tiêu dùng và sử dụng thực phẩm an toàn.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT