Bình Thuận đẩy mạnh việc thực hiện chính sách đối với người có công và thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

  • HMT
  • /
  • 14.7.2017 - 16:33

Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã tổ chức thực hiện khá hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị số 07-CT/T, ngày 14/12/2006 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sỹ, người có công thì phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” ngày càng được đẩy mạnh, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Việc giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công ngày càng thuận tiện hơn theo cơ chế “một cửa liên thông”. Hàng năm, toàn tỉnh tiếp nhận và giải quyết gần 1.000 hồ sơ về thực hiện chế độ ưu đãi người có công, kết quả có trên 99% hồ sơ được giải quyết đúng thời gian quy định và trả kết quả đúng hẹn.

Hơn 10 năm qua, nhân dân trong tỉnh đã lập hồ sơ đề nghị và được Nhà nước giải quyết chế độ ưu đãi cho 8.194 người có công với cách mạng. Nâng tổng số toàn tỉnh đến nay đã giải quyết cho hơn 50.000 người có công hưởng các chính sách, chế độ theo quy định; trong đó thương binh - bệnh binh (7.516 người), liệt sỹ (12.796 người), người hoạt động kháng chiến (23.302 người), người có công giúp đỡ cách mạng (1.628 người), Bà mẹ Việt Nam anh hùng (1.842 người)... Đồng thời với việc giải quyết các chế độ trợ cấp cho người có công, hàng năm tỉnh đã thực hiện chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp ưu đãi cho hơn 4.000 trường hợp là con của người có công đang theo học tại các trường; thực hiện chế độ cấp bảo hiểm y tế hàng năm cho 16.000 đối tượng; cấp các phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho 300 trường hợp người có công.

Xác định việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng có ý nghĩa hết sức to lớn, tạo ra những bước đột phá góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 62 tỷ đồng; từ nguồn quỹ này và từ nguồn ngân sách nhà nước, tỉnh hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 1.844 căn nhà cho thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đang gặp khó khăn về nhà ở, với mức hỗ trợ từ 25 - 50 triệu đồng/căn nhà. Trong đó, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.214 căn nhà cho người có công (xây mới 314 căn, sửa chữa 900 căn); đến nay, đã hoàn thành được 1.050 căn nhà (xây mới 256 căn, sửa chữa 794 căn), đạt 86,5% kế hoạch, số còn lại đang được tỉnh tiếp tục xem xét, hỗ trợ.

Phong trào nhận phụng dưỡng, đỡ đầu, chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh nặng, cha, mẹ liệt sỹ neo đơn được nhiều cá nhân, cơ quan, đơn vị hưởng ứng; tất cả Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc.

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng, tu bổ tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; xác định hài cốt liệt sĩ, thông báo phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang, giúp đỡ người thân của liệt sĩ đến thăm viếng được chú trọng. Tỉnh đã xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hàng chục công trình bia ghi công liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ với tổng kinh phí trên 90 tỷ đồng; đã đầu tư, nâng cấp công trình Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh với kinh phí 28 tỷ đồng, xây dựng Đền thờ Liệt sỹ thành phố Phan Thiết với kinh phí 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và do các tổ chức, cá dân đóng góp. Nhiều đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…) vận động đoàn viên, hội viên nhận chăm sóc thường xuyên các công trình ghi công liệt sỹ, góp phần thêm khang trang, sạch đẹp.

Đoàn Thanh niên chăm sóc, chỉnh trang Mộ các anh hùng Liệt sỹ

Những hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" mang ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng vào việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công vươn lên vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, chiến thắng thương tật, tiếp tục mang sức lực, trí tuệ của mình để xây dựng gia đình, quê hương giàu đẹp là rất đáng trân trọng. Thực hiện tốt công tác chăm lo cho thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước là một việc nghĩa, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp. Trong thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến và thực hiện đúng, đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công; giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc, bức xúc của người có công. Tập trung giải quyết các hồ sơ đang còn tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công. Huy động tốt các nguồn lực trong xã hội, cộng đồng chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công. Tiếp tục rà soát, giải quyết dứt điểm hỗ trợ nhà ở người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và làm tốt công tác tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sỹ.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT