Theo đó, chủ trương nghiên cứu, sử dụng dữ liệu không ảnh để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã được Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo từ năm 2018. Triển khai thực hiện chủ trương trên, qua quá trình chuẩn bị, đầu năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt đề cương và dự toán dự án “Ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”. Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với đơn vị tư vấn (Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển Đồng Xanh) triển khai thực hiện hoàn thành 100% khối lượng công việc theo đề cương dự toán dự án. Hiện nay toàn bộ sản phẩm của dự án đã được bàn giao cho Chi cục Kiểm lâm - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, đã kích hoạt phần mềm quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh với tên miền tại địa chỉ https://fmsbinhthuan.net.
Theo kế hoạch, bắt đầu từ tháng 02/2021, dự án Ứng dụng công nghệ viễn thám sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh chính thức đi vào hoạt động. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai cho Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm các huyện đưa vào theo dõi và định kỳ tổng hợp báo cáo diễn biến rừng trong thời gian 15 ngày/01 lần; theo đó vào ngày 02 và ngày 16 hàng tháng, hệ thống phần mềm tự động giải đoán ảnh vệ tinh Sentinel 2 mới nhất để phát hiện các điểm mất rừng. Sau khi phát hiện, hệ thống tự động gửi email và tin nhắn cảnh báo mất rừng tới các cấp quản lý có liên quan. Thông tin gửi đi bao gồm: cấp hành chính, tiểu khu, khoảnh/lô, đối tượng rừng, chủ rừng, số lượng điểm và diện tích bị mất.
Khi nhận tin cảnh báo, người quản lý, công chức kiểm lâm sử dụng máy tính để bàn, điện thoại di động, máy tính bảng đăng nhập vào hệ thống và xem vị trí điểm cảnh báo trên ảnh vệ tinh mới nhất để kiểm chứng tin cảnh báo và thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành.
Riêng đối với cán bộ kiểm lâm địa bàn, sử dụng tài khoản được cấp để xem vị trí các điểm cảnh báo bản đồ và sử dụng file bản đồ hệ thống gửi qua thư ra ngoài hiện trường điều tra, tìm hiểu nguyên nhân vụ việc, thu thập dữ liệu, thông tin, cập nhật vào phần mềm. Dữ liệu sau khi cập nhật được truyền về trung tâm dữ liệu tại Chi cục Kiểm lâm để có hướng xử lý kịp thời, triệt để.
Thông tin các điểm cảnh báo sẽ được hệ thống tự động xử lý và tạo báo cáo thống kê biến động theo tháng, quý, năm cho từng cấp quản lý và đơn vị chủ rừng.
UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Căn cứ quy trình vận hành và sử dụng hệ thống WebGIS quản lý, giám sát tài nguyên rừng Bình Thuận, xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý việc vận hành và sử dụng hệ thống WebGIS quản lý, giám sát tài nguyên rừng Bình Thuận để triển khai thực hiện ngay từ tháng 02/2021. Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và đơn vị tư vấn nghiên cứu tăng độ chính xác khả năng cảnh báo của phần mềm, nhất là đối với rừng tự nhiên có độ chính xác chỉ mới đạt 66,5%. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên bảo dưỡng, duy trì và vận hành phần mềm một cách hiệu quả. Trong quá trình vận hành, nếu tốc độ đường truyền và hoạt động của máy chủ không đảm bảo phải báo cáo kịp thời để xem xét, giải quyết. Đồng thời, nghiên cứu ban hành Sổ tay giám sát hành trình hoạt động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm trong hoạt động tuần tra, kiểm tra rừng để kiểm tra, theo dõi; Tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ cập nhật, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng bằng hệ thống máy tính bảng; theo dõi, quản lý máy tính bảng và hệ thống quản lý tài nguyên rừng bằng máy tính bảng trên địa bàn toàn tỉnh. Phối hợp Sở Tài chính rà soát, nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ trang thiết bị (máy tính bảng) cho các Hạt Kiểm lâm, chủ rừng phục vụ công tác xác minh các khu vực biến động tài nguyên rừng nhằm phát huy hiệu quả của dự án. Sau 02 tháng hoạt động, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan có đánh giá toàn diện về dự án, rút ra những tồn tại bất cập và đề xuất những việc làm tiếp theo. Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 10/4/2021.
Sở Tài chính: Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối tham mưu đề xuất UBND tỉnh bố trí bổ sung kinh phí nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp hàng năm đảm bảo đủ nguồn lực tài chính để hỗ trợ trang thiết bị và vận hành, quản lý, sử dụng, bảo trì phần mềm khi đi vào hoạt động nhằm phát huy hiệu quả.
Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo Trung tâm Công nghệ thông tin hỗ trợ lắp đặt máy chủ để vận hành hoạt động phần mềm.
UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức kiểm tra, tuyên truyền việc triển khai ứng dụng phần mềm cùng trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại trong việc quản lý, bảo vệ và xử lý hành vi xâm phạm tài nguyên rừng đến từng địa bàn cấp xã có rừng nhằm răn đe, ngăn ngừa tình trạng phá rừng trái phép, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thành lập Tổ chuyên trách cấp huyện để quản lý, vận hành phần mềm trên địa bàn từng huyện, thành phần Tổ chuyên trách cấp huyện gồm lãnh đạo các đơn vị: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc phòng Kinh tế), Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng, UBND các xã có rừng để khai thác, sử dụng dữ liệu lâm nghiệp trong phần mềm phục vụ công tác lập kế hoạch, chỉ đạo, điều hành trong phạm vi quản lý. Chỉ đạo cho các cơ quan kiểm lâm, chủ rừng, UBND cấp xã tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin cảnh báo mất rừng theo tin nhắn, email được hệ thống gửi đến; chỉ đạo các đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn có rừng thực hiện theo đúng quy trình vận hành và sử dụng hệ thống WebGIS quản lý, giám sát tài nguyên rừng tỉnh Bình Thuận sau khi được UBND tỉnh ban hành.