Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) họp đánh giá tình hình thực hiện kinh tế xã hội, quốc phòng – an ninh 05 năm (2016 - 2020) và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm (2021-2025)

Sáng ngày 18/11/2020, đồng chí Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) đánh giá tình hình thực hiện kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh 05 năm (2016 – 2020) và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm (2021-2025). Cùng dự có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, phụ trách Đảng bộ tỉnh Bình Thuận; đồng chí Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng chí Đỗ Hữu Quy - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng chí Nguyễn Đức Hòa - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Đồng chí Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị

Sau khi nghe ý kiến tham gia của các thành viên dự họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kết luận: Trong 05 năm qua, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện còn những khó khăn nhất định, những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông đối ngoại (sân bân, đường cao tốc) chưa được tháo gỡ, hạn hán, dịch bệnh diễn biến phức tạp … đã tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; song, với sự nỗ lực, cố gắng của hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nên tình hình các mặt của tỉnh cơ bản ổn định, phát triển, đạt một số kết quả, nổi rõ: Kinh tế tăng trưởng khá qua từng năm, Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng bình quân 7,64%/năm, vượt kế hoạch đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách hàng năm tăng khá. Các tiềm năng, lợi thế của tỉnh được phát huy ngày càng tốt hơn, nhất là về năng lượng, du lịch. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư xây dựng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt. Hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - thể thao, thông tin và truyền thông có chuyển biến tiến bộ; các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được thực hiện tốt; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội căn bản được giữ vững.

Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm tới (2021 - 2025), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành khẩn trương tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện, nhất là đối với 05 nhiệm vụ trọng tâm và 03 khâu đột phá; trong đó, cần tích cực triển khai sớm hình thành trung tâm năng lượng và trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia theo Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị. Ngoài ra, đồng chí đề nghị các cấp, các ngành cần quan tâm, lưu ý một số vấn đề sau: (1) Tiếp tục thực hiện tốt 02 mục tiêu kép “Vừa thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội”; (2) Tích cực triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo đúng tiến độ đề ra; (3) Tập trung phát triển 03 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (4) Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Phối hợp, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư các công trình trọng điểm, như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam (phía Đông) - đoạn qua địa bàn tỉnh, Sân bay Phan Thiết; các tuyến đường ĐT 719, ĐT 719B; các hồ chứa thủy lợi Sông Lũy, Ka Pét, La Ngà 3,…; (5) Đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và các lễ hội văn hóa tiêu biểu, kết hợp phát triển du lịch; (6) Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu; quản lý chặt chẽ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng; (7) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, tài nguyên, khoáng sản, rừng, môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Kiên quyết xử lý nghiêm minh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không phép, các cơ sở chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; (8) Thường xuyên nắm chắc tình hình an ninh trật tự, chủ động ngăn chặn từ xa sự xâm nhập của các băng nhóm tội phạm từ các tỉnh khác vào Bình Thuận, nhất là tội phạm về ma túy, băng nhóm “xã hội đen”, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê có tính chất côn đồ, các băng nhóm đòi bảo kê các công trình, dự án…


Các tin khác

TIN NỔI BẬT