Theo đó, trong những ngày vừa qua, tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Trung diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân. Đặc biệt, tính đến trưa ngày 20/10/2020 tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam đã xảy ra các sự cố sạt lở nghiêm trọng, lũ cuốn làm 132 người chết và mất tích; nhiều nhà cửa, vật kiến trúc bị ngập chìm trong biển nước.
Đối với tỉnh ta, thời gian qua, công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đã được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện đạt kết quả quan trọng; tuy nhiên, tình hình mưa bão hiện nay còn diễn biến bất thường, một số đoạn bờ biển, đường giao thông bị sạt lở; một số địa bàn có nguy cơ ngập lụt khi mưa lớn.
Trước diễn biến khó lường của tình hình mưa bão hiện nay, nhất là trên Biển Đông đang tiếp tục hình thành các đợt áp thấp nhiệt đới, các cơn bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta, để thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh và thực hiện Điện ngày 16/10/2020 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung; Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu:
Các ban cán sự đảng, đảng đoàn, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 209-KH/TU, ngày 26/6/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung. Trong đó, lưu ý một số vấn đề sau: Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, nhất là các địa phương có nguy cơ xảy ra thiên tai, lũ lụt chú ý theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết để có biện pháp chủ động ứng phó có hiệu quả, tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác; chủ động mọi biện pháp bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân; chú ý những khu vực dễ xảy ra sạt lở, các khu neo đậu tàu thuyền, khu vực nuôi hải sản lồng, bè trên biển, trên sông. Tăng cường theo dõi, quản lý chặt chẽ việc vận hành các hồ chứa và thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn hồ, đập và vùng hạ du khi tiến hành xả lũ.
Chủ động rà soát, bổ sung và thực hiện tốt các kế hoạch, phương án, phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) khi phát sinh các tình huống cực đoan, bất lợi nhất của thời tiết, nội dung phải thật cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế của từng địa phương nhằm chủ động phòng ngừa, nhanh chóng ứng phó có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, tập trung lực lượng, phương tiện, vật tư tổ chức khắc phục hậu quả bão lũ, khẩn trương tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; bình tĩnh ứng phó mọi tình huống, bảo đảm an toàn cao nhất về người và phương tiện cứu hộ; kịp thời chăm lo, hỗ trợ, sớm ổn định cuộc sống cho người dân vùng bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai các phương án, biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, bão lũ; hỗ trợ tích cực các địa phương trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lãnh đạo theo dõi, thực hiện tốt việc phát động phong trào vận động, quyên góp, giúp đỡ nhân dân các tỉnh miền Trung bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua.