Hưởng ứng ngày môi trường thế giới (5/6)
BẢO VỆ RỪNG LÀ BẢO VỆ CUỘC SỐNG CỦA CHÍNH MÌNH

Rừng được xem là lá phổi xanh của trái đất, giúp điều hòa khí hậu, cân bằng sinh thái cho môi trường. Rừng có tác dụng điều hòa dòng chảy, làm cho lũ xuất hiện chậm hơn, hạn chế sạt lở đất, giảm mức độ thiệt hại về tài sản và tính mạng của con người. Do đó, công tác trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chính mình.

Nhận thức được tầm quan trọng của rừng, trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được các cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả. Trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về lâm nghiệp có chuyển biến tích cực; kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành và thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn trước. Đã hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020; tổ chức cắm mốc, phân rõ ranh giới lâm phận trên bản đồ và thực địa cơ bản phù hợp yêu cầu thực tiễn. Công tác giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, nhờ đó công tác quản lý bảo vệ rừng và chống lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép được tăng cường; huy động các nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả hơn; diện tích rừng và độ che phủ rừng tăng. Công tác khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng được duy trì, một bộ phận nhân dân có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập, rừng được quản lý, bảo vệ tốt hơn.

Song bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn không ít khó khăn, yếu kém. Trong đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn chưa đầy đủ, một bộ phận chỉ thấy lợi ích kinh tế trước mắt mà chưa coi trọng sự phát triển bền vững, chiến lược lâu dài. Tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực của lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu; tình trạng buông lỏng quản lý, tiếp tay cho đối tượng vi phạm đâu đó vẫn còn xảy ra. Đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế, chưa thật sự có chính sách mạnh mẽ để khuyến khích các thành phần kinh tế và người dân tham gia; việc xử lý các vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn chưa nghiêm, thiếu sức răn đe, giáo dục nên tình hình xâm hại rừng vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng giáp ranh.

Từ tình hình thực tế địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) đã ban hành Chương trình hành động số 27-CTr/TU, ngày 29/5/2017 thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong thời gian tới phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; tiếp tục đẩy mạnh công tác kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp từ tỉnh tới cơ sở về lâm nghiệp; kịp thời rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, khả thi; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; khẩn trương rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; tập trung quản lý, bảo vệ và phục hồi, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có; đẩy mạnh công tác trồng rừng và nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng và chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế về quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 41% năm 2015 lên 43% năm 2020, góp phần cải thiện môi trường, giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, hạn chế lũ lụt, hạn hán, nâng chất lượng cuộc sống con người./.


Các tin khác