Bình Thuận: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng

Qua 01 năm thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả bước đầu.

Hội nghị quán triệt Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) do Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận chủ trì

Sau khi có Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 06-KH/TU, ngày 17/3/2016 để triển khai thực hiện; tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, huyện. Qua đó, 15/15 cấp ủy trực thuộc tỉnh, 52/52 ban, ngành, đoàn thể tỉnh và 100% cơ sở Đảng đã tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch thực hiện với 17.030 người tham gia học tập, quán triệt; các cấp ủy trực thuộc tỉnh đã quán triệt và chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng kế hoạch thực hiện ở cấp cơ sở. Các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử cấp tỉnh, huyện và Ủy ban kiểm tra các cấp đã tổ chức quán triệt cho đội ngũ cán bộ nghiệp vụ, cán bộ có chức danh tư pháp và xây dựng kế hoạch thực hiện. UBND tỉnh ban hành Công văn số 1746/UBND-NCPC, ngày 25/5/2016 chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng tăng cường các giải pháp thực hiện công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Các cấp, các ngành đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai, quán triệt và chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng gắn với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí. Qua đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, dành thời gian lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, giám sát, tự kiểm tra về PCTN. Qua 01 năm thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị, toàn tỉnh đã xử lý 01 trường hợp người đứng đầu do để xảy ra tham nhũng tại đơn vị và 01 trường hợp đang được xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Việc nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật phục vụ công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng được tăng cường. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ người tố cáo, chấn chỉnh công tác thanh tra. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1478/KH-UBND, ngày 01/6/2016 về thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân”; Chỉ thị 07/CT-UBND, ngày 04/5/2016 về tăng cường thực hiện các quy định pháp luật về công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh; Đề án số 2246 ĐA-UBND, ngày 24/6/2016 về “Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020”…

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng được quan tâm. Thường trực Tỉnh ủy chịu trách nhiệm chủ trì họp nghe báo cáo và cho ý kiến về công tác PCTN định kỳ hàng tháng; Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp nghe báo cáo và cho ý kiến về công tác PCTN định kỳ hàng quý, 6 tháng; Tỉnh ủy tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác PCTN, lãng phí của Đảng bộ tỉnh định kỳ hàng năm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời cụ thể hóa, chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo làm rõ một số vụ việc sai phạm về quản lý bảo vệ rừng, về ngân hàng…; xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội. Qua đó, đã kịp thời chấn chỉnh, kiểm điểm rút kinh nghiệm và khắc phục những khuyết điểm, hạn chế qua kiểm tra, rà soát; ban hành văn bản chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh công tác thanh tra, nhất là thanh tra về tài chính.

Qua thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tăng cường phối hợp, giúp cấp huyện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần hoàn thành việc xử lý nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp gắn với triển khai các biện pháp phòng ngừa sát hợp, hiệu quả hơn. Ban thường vụ các cấp ủy trực thuộc tỉnh thực hiện nghiêm túc chế độ họp nghe và cho ý kiến về công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng gắn với công tác PCTN, lãng phí theo định kỳ; tích cực chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực và các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm tra, giám sát, tự kiểm tra về PCTN. Các cấp ủy cơ sở thực hiện khá tốt quy định hàng tháng có mục đánh giá công tác PCTN, lãng phí gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong sinh hoạt chi bộ. 

Công tác kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo về PCTN, lãng phí được tăng cường. Năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lập 2 đoàn kiểm tra việc quán triệt, triển khai thực hiện Kế hoạch số 06-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại 8 địa phương, đơn vị. Các cấp ủy trực thuộc tỉnh tiến hành 33 cuộc kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo PCTN, lãng phí tại 95 địa phương, đơn vị. Qua đó, đã kịp thời chấn chỉnh, chỉ đạo khắc phục những khuyết điểm, hạn chế. Thanh tra các cấp đã tiến hành 31/46 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về PCTN. Qua đó, Thanh tra tỉnh đã phát hiện sai phạm về kinh tế số tiền 1,272 tỷ đồng, kiến nghị xử lý và yêu cầu chỉ đạo kiểm điểm rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và một số cá nhân liên quan. Thanh tra cấp sở, cấp huyện đã kiến nghị thu hồi 14,867 triệu đồng và kiểm điểm 02 cá nhân liên quan. Ngoài ra, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện, xử lý 03 vụ tham nhũng/09 người; trong đó, cơ quan điều tra đã khởi tố 01 vụ/03 người, đang thụ lý tin báo 01 vụ/04 người và ra quyết định không khởi tố 01 vụ.

Từ tháng 01/2016 đến tháng 02/2017, toàn tỉnh đã thụ lý 13 vụ/28 người có hành vi tham nhũng. Đến nay, đã hoàn thành việc xử lý 11 vụ/24 người, đang tiếp tục xử lý 02 vụ/04 người. Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo chuyển hồ sơ thanh tra đến Cơ quan Cảnh sát điều tra 03 vụ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang theo dõi chỉ đạo điều tra, xử lý 03 vụ án; Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc tiến độ điều tra, xử lý 01 vụ có dấu hiệu tham nhũng và 06 vụ việc có dấu hiệu liên quan tham nhũng, tiêu cực để kịp thời tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý.

Công tác truyền thông về phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng ngày càng được chú trọng. Kết quả phát hiện và xử lý một số vụ việc đã được các cơ quan báo, đài thông tin kịp thời.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tập trung củng cố, bổ sung, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cho các đơn vị chuyên trách về PCTN; chỉ đạo tổ chức 03 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác nội chính và PCTN cho 1.492 cán bộ chủ chốt các cấp; mở 01 lớp đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Luật hình sự với 50 học viên. Ban Nội chính Tỉnh ủy đã kiện toàn, bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ nghiệp vụ để tham mưu công tác PCTN, lãng phí. Cấp huyện đã bố trí cán bộ chuyên trách công tác PCTN cho Văn phòng cấp ủy cấp huyện; củng cố, kiện toàn Tổ giúp việc về công tác nội chính và PCTN để bảo đảm công tác tham mưu cho cấp ủy. Các cơ quan tư pháp tiếp tục kiện toàn tổ chức, cán bộ, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực hoạt động cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Thanh tra tỉnh thành lập Phòng Thanh tra PCTN (Phòng 4) để tham mưu thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác PCTN và thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN.

Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với các địa phương về thực hiện nhiệm vụ phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng được tăng cường. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với Đảng ủy Công an tỉnh, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Ban Nội chính Tỉnh ủy xây dựng quy chế phối hợp với Thanh tra tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Báo Bình Thuận và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Qua đó, công tác PCTN được các cơ quan chức năng tham gia phối hợp, thực hiện khá chặt chẽ, nhất là trong việc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan điều tra; phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng, tài chính...

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị; các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung thực hiện tốt 06 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 06-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với việc quán triệt, triển khai Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 48-KH/TU, ngày 17/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Hai là, thực hiện nghiêm túc chế độ định kỳ ban thường vụ cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp nghe báo cáo và chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng theo Kế hoạch số 06-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí và các hành vi bao che, cản trở việc PCTN, lãng phí; chủ động yêu cầu các cơ quan chức năng báo cáo các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm để kịp thời chỉ đạo xử lý.

Ba là, các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, xử lý đứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực đang thụ lý, nhất là các vụ việc tồn đọng; thực hiện tốt công tác giám định, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí. Kịp thời xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng.

Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục rà soát, chấn chỉnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra kinh tế - xã hội.

Năm là, tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng gắn với kiểm tra, giam sát việc triển khai thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 48-KH/TU, ngày 17/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Sáu là, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp phù hợp để khuyến khích nhân dân phát hiện, phản ánh, tố giác các hành vi tham nhũng, lãng phí. Tập trung giải quyết tốt đơn, thư khiếu nại, tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực, tránh bỏ lọt đơn, thư phản ảnh, tố cáo, giữ bí mật và bảo vệ người tố cáo theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT