LÀM GÌ ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SINH HOẠT CHI BỘ?

Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nội dung, phương pháp và tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong sinh hoạt chi bộ; tổ chức tọa đàm, bàn cách thức tổ chức sinh hoạt chi bộ trong từng loại hình tổ chức Đảng. Nhờ vậy, việc tổ chức sinh hoạt chi bộ từng bước được cải tiến về phương pháp và nội dung, chất lượng từng bước được nâng lên, góp phần lãnh đạo các mặt của địa phương, đơn vị ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn không ít chi bộ duy trì chế độ sinh hoạt không tốt; chất lượng sinh hoạt không ít nơi còn thấp do khâu chuẩn bị chưa tốt, nội dung còn lúng túng; sinh hoạt chi bộ ở khối cơ quan hành chính, sự nghiệp còn lẫn lộn giữa công tác chuyên môn và công tác đảng. Không khí dân chủ trong nội bộ có nơi chưa được phát huy đúng mức, nhất là tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, sức chiến đấu của chi bộ nhiều nơi còn yếu; có nơi sinh hoạt chi bộ chưa bám sát nhiệm vụ chính trị và nội dung đã đề ra; ở không ít chi bộ, đảng viên ít tham gia phát biểu ý kiến, nhất đảng viên mới kết nạp, đảng viên trẻ; từ đó, đã làm hạn chế chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Thiết nghĩ, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thời gian tới, cần cải tiến sinh hoạt chi bộ trọng tâm là cải tiến về phương pháp, cách thức tiến hành, từ khâu chuẩn bị đến khâu tổ chức, điều hành họp và sau kỳ họp chi bộ, gắn với nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ mà cốt lõi là tập trung cải tiến nội dung và nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm từ chi ủy đến bí thư chi bộ và tập thể đảng viên chi bộ. Đây là 02 khâu mấu chốt, tạo đột phá trong nội dung sinh hoạt chi bộ, nhằm bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu trong quá trình sinh hoạt chi bộ; sao cho qua mỗi lần sinh hoạt chi bộ sẽ nâng cao trình độ, nhận thức, góp phần củng cố bản lĩnh chính trị của đảng viên; nội bộ chi bộ đoàn kết hơn, trách nhiệm nâng cao hơn, đảng viên phát huy tốt hơn vai trò lãnh đạo của mình đối với quần chúng, nhân dân.

Để thực hiện 02 khâu mấu chốt nêu trên, trước hết cần duy trì nghiêm túc chế độ sinh hoạt chi bộ.

Hai là, cần phát huy đúng mức trách nhiệm của cấp ủy, trước hết là bí thư chi bộ trong khâu chuẩn bị nội dung, gợi ý và thông báo trước những vấn đề cần tập trung thảo luận để đảng viên chuẩn bị ý kiến trong sinh hoạt chi bộ. Trong đó, chuẩn bị tốt nội dung là khâu rất quan trọng, phải bám sát chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và nhiệm vụ chính trị được giao, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị để bàn bạc, thảo luận.

Trong sinh hoạt chi bộ bao gồm 2 phần: Sinh hoạt định kỳ và sinh hoạt chuyên đề.

Về sinh hoạt định kỳ: Phải bảo đảm cung cấp thông tin thời sự, chú ý chọn những nội dung cần thiết để phổ biến cho đảng viên. Trong đó, cần chọn những nội dung cần thông tin để biên tập lại, tập trung những vấn đề cốt lõi để làm tài liệu sinh hoạt chi bộ. Mặt khác, Chi bộ phải bàn công tác xây dựng đảng, đoàn thể; trước hết, phải làm tốt công tác tư tưởng, đánh giá diễn biến tư tưởng, tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, quần chúng ở đơn vị; đồng thời, rà soát, đánh giá lại vai trò trách nhiệm để nhắc nhở đảng viên phát huy tốt hơn nữa vai trò trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo quần chúng. Ngoài ra, đối với các chi bộ khu phố, thôn, cần chú ý lựa chọn những vấn đề sát hợp với đời sống nhân dân và theo chức năng, phạm vi trách nhiệm cần tập trung vào những việc cụ thể, bức xúc để bàn giải pháp lãnh đạo tháo gỡ, nhằm chăm lo ngày càng tốt hơn lợi ích thiết thực của nhân dân, chẳng hạn như bàn biện pháp giảm nghèo, giảm tai nạn giao thông, ma túy, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Đối với các chi bộ trong các loại hình khác, cần phân biệt rõ nội dung chuyên môn và công tác đảng; chi bộ kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo đảng viên thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch của cơ quan, đơn vị và góp ý các giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Trong đó, khi kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ phải bám sát nghị quyết của kỳ sinh hoạt trước; đồng thời, khi đề ra nghị quyết trong thời gian tới, phải nêu công việc cụ thể, phân công rõ trách nhiệm, xác định rõ thời gian, tiến độ hoàn thành, chú ý chọn những việc phù hợp để chi bộ thực hiện đạt kết quả, không nên đề ra quá nhiều việc hoặc nêu việc chung chung.

Về sinh hoạt chuyên đề: Tùy tình hình thực tế của chi bộ để lựa chọn chuyên đề sao cho phù hợp hoặc nhằm lãnh đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc của đơn vị, địa phương.

Ba là, cần phát huy đúng mức hơn nữa trách nhiệm của đảng viên.  Trước hết, mỗi đảng viên phải nghiêm túc tham gia sinh hoạt chi bộ, phải nghiên cứu sâu kỹ những vấn đề chi ủy, bí thư chi bộ gợi ý để chuẩn bị và tham gia phát biểu ý kiến; phát huy đúng mức tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ.

Bốn là, cần giữ vững các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng. Trước hết, phải tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ; bí thư chi bộ, người chủ trì phải có phong cách dân chủ, gợi mở vấn đề để tạo điều kiện cho đảng viên phát biểu; biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến của đảng viên, tập hợp ý kiến đảng viên, nhất là những ý kiến khác nhau để đưa ra thảo luận trước tập thể, sao cho nghị quyết chi bộ thực sự là kết tinh trí tuệ tập thể chi bộ. Đồng thời, phải nêu cao tính chiến đấu trong chi bộ, phải kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, về quan điểm và những việc làm sai trái, tiêu cực, không nể nang, e dè. Mặt khác, cần thực hiện tốt hoạt động chất vấn trong Đảng theo quy định.

Năm là, sau khi họp chi bộ, quá trình triển khai nghị quyết phải gắn với kiểm tra kết quả thực hiện nghị quyết chi bộ đã đề ra.

Ngoài ra, cần thường xuyên có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy, bí thư cấp ủy các chi bộ. Đây cũng là một trong những giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.                                         


Các tin khác

TIN NỔI BẬT