Hỗ trợ học nghề cho người nghèo và Hỗ trợ học tập cho học sinh nghèo

  • /
  • 29.6.2008 - 0:0

Đã mở được 79 lớp dạy nghề cho người lao động nghèo tại các địa phương. Trong đó, đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ 51 lớp/1.784 học viên; mở 28 lớp dạy nghề ở 2 huyện Tuy Phong, Bắc Bình với 1.250 người nghèo tham gia gồm các nghề: chăn nuôi heo, nuôi gà thả vườn, nuôi trùn, làm nấm rơm, nuôi cá nước ngọt, làm phân hữu cơ, kỹ thuật chăn nuôi bò, dê sinh sản, trồng rong sụn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc đào tạo nghề và hỗ trợ học nghề cho người nghèo; mặt khác cũng còn khá nhiều người nghèo chưa tích cực trong việc học nghề, tạo việc làm cho bản thân. Nguyên nhân do nhận thức về học nghề trong người nghèo còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về học nghề chưa được thường xuyên, các hình thức đào tạo và nghề đào tạo chưa phù hợp với người nghèo nên họ chưa mạnh dạn học nghề.

Cơ sở vật chất phòng học, trang thiết bị dạy và học ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn và các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh được quan tâm đầu tư xây dựng. Mạng lưới trường lớp học tiếp tục phát triển, toàn tỉnh hiện có 157 trường mẫu giáo và mầm non, 274 trường THCS, 27 trường THPT; lực lượng giáo viên ở vùng cao, vùng khó khăn được tăng cường, chất lượng giáo dục được giữ vững, xóa bỏ tình trạng học sinh phải học ca ba, tỷ lệ huy động học sinh đến lớp tăng, số học sinh bỏ học giảm. Đến nay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn đều có trường, lớp mầm non và tiểu học, nhiều xã đã có trường THCS; khắc phục cơ bản tình trạng phòng học hư hỏng, xuống cấp, tạm bợ.

Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ học tập cho học sinh nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số được quan tâm như chế độ miễn, giảm đóng góp học phí, quỹ xây dựng trường học và các khoản đóng góp khác đối với học sinh thuộc diện gia đình khó khăn, gia đình chính sách và các chính sách khác đối với học sinh là người dân tộc thiểu số. Trong 5 năm có 312.625 lượt em được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp với kinh phí miễn, giảm 6.027,25 triệu đồng; có 40.585 lượt em học sinh nghèo được hỗ trợ dụng cụ học tập, trị giá 1.142,5 triệu đồng. Hàng năm có 7.581 học sinh là con em người dân tộc thiểu số được hỗ trợ gạo, quần áo, nón, dép, vở, viết, sách giáo khoa (theo Quyết định số 84/2002/QĐ-UBBT của UBND tỉnh) với số tiền 4,2 tỷ đồng. Ngoài ra, với phong trào khuyến học, khuyến tài các cấp, các ngành đã vận động nhân dân đóng góp xây dựng quỹ khuyến học hỗ trợ cho học sinh thuộc diện gia đình khó khăn nhưng có ý chí vươn lên trong học tập; từ năm 2004 đến nay hỗ trợ trên 4.000 suất học bổng, trị giá trên 1.500 triệu đồng cho các em học sinh gia đình nghèo, khó khăn.

  • |
  • 1034
  • |

Các tin khác