Du lịch Bình Thuận: “Biến không thành có” sau ngày 24/10/1995

Tỉnh Bình Thuận được biết đến từ sau sự kiện Nhật thực toàn phần vào ngày 24/10/1995. Sau 21 năm phát triển, diện mạo du lịch Bình Thuận đã thay đổi hoàn toàn, từ vùng biển hoang sơ, chưa biết gì về khái niệm “du lịch”, Bình Thuận đã trở thành điểm đến hấp dẫn với những danh lam thắng cảnh như Mũi Né, Hòn Rơm, Đồi Dương, Bàu Trắng, Dinh Vạn Thủy Tú, Hải đăng Khe Gà, tượng Phật nằm trên núi Tà Cú, trường Dục Thanh và nhiều khu nghỉ dưỡng, sinh thái biển hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Trải qua 21 năm (1995 - 2016) hình thành và phát triển, có thể chia sự phát triển du lịch Bình Thuận ra làm 02 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1995 – 2008 là giai đoạn đánh thức và khơi dậy tiềm năng du lịch Bình Thuận; giai đoạn 2008 - 2015 là giai đoạn phát triển bùng nổ, củng cố “thương hiệu” bằng cách nâng cấp cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, đi đôi với việc tiếp tục phát triển cơ sở lưu trú, bao gồm khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch.

Từ năm 1995 đến năm 2000, cơ sở hạ tầng du lịch Bình Thuận chưa có gì đáng kể, cả tỉnh chỉ có 03 khách sạn và vài nhà nghỉ cùng một số lều trại dã ngoại do người dân dựng lên trong khu vực Hàm Tiến, Đá Ông địa, Hòn Rơm. Từ một tỉnh mặt bằng xuất phát thấp, tích lũy nội bộ của nền kinh tế chưa đáng kể, thế mà trong 08 năm (2000 - 2008) tập trung nguồn lực vào phát triển “ngành công nghiệp không khói”, Bình Thuận đã nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước, doanh thu du lịch năm 2008 đạt 1.424 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng trên 30%. Lượng khách du lịch đến Phan Thiết - Bình Thuận ngày càng tăng, từ 513 ngàn lượt năm 2000, đến năm 2008 nâng lên trên 2 triệu lượt, tăng gần 04 lần so với năm 2000.

Giai đoạn 2008 - 2015 là giai đoạn phát triển bùng nổ của du lịch Bình Thuận, với những nét đặc trưng riêng “Biển xanh – Cát trắng – Nắng vàng” nên là nơi được chọn tổ chức nhiều sự kiện đánh dấu sự trưởng thành của ngành du lịch. Đó là Festival Thuyền buồm quốc tế, Giải Lướt ván buồm thế giới tranh Cup PWA, Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế, Vòng thi Hoa hậu Trái đất thế giới, Vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Đại Dương Việt Nam 2014, các giải thi đấu golf quốc tế, Hội thảo Quốc tế “Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia”, … Tốc độ tăng trưởng về khách du lịch và doanh thu ngày càng cao, số lượng phòng (buồng) khách sạn, resort, cơ sở lưu trú du lịch phát triển mạnh. Lượng khách du lịch tăng ổn định, nếu như năm 2008 số lượt khách đến du lịch Bình Thuận là 02 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế 195 ngàn lượt khách) thì đến năm 2015 được hơn 4,12 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế 450 ngàn lượt khách). Như vậy, tính đến cuối năm 2015, bình quân 01 người dân Bình Thuận phải đón trên 03 du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh (số liệu dân số tỉnh Bình Thuận năm 2015 do Cục Thống kê cung cấp là 1.207.398 người). Doanh thu du lịch Bình Thuận tăng khá cao, nếu như năm 2008 doanh thu du lịch là 1.424 tỷ đồng thì đến năm 2015, doanh thu du lịch Bình Thuận đạt trên 7.642 tỷ đồng, tăng 536,6% so với năm 2008. Cho đến nay, Bình Thuận đã thu hút trên 400 dự án đầu tư du lịch còn hiệu lực, với tổng diện tích đất cấp là: 8.202 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư là: 63.739 tỷ đồng (trong đó, có 32 dự án đầu tư nước ngoài), đầu tư kinh doanh ở nhiều lĩnh vực như: lưu trú du lịch, sân golf, huấn luyện và cung cấp dịch vụ thể thao trên biển, kinh doanh nhà hàng du lịch, lữ hành…trong đó có một số dự án có quy mô lớn đã đi vào hoạt động như: The Sailing Bay Beach resort ở Mũi Né, Aroma Beach Resort and Spa ở Phú Hài, Takalau Residence & Resort ở Mũi Né, Sea links City, Làng tre Resort, Pandanus Resort…; một số dự án có quy mô lớn đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn như Delta Valley – Du lịch Thung lũng Đại Dương với tổng mức đầu tư 400 triệu USD, quy mô 986,3 ha tại xã Tiến Thành; Sunny Villa – Thiên đường cuộc sống với tổng mức đầu tư 34 triệu USD tại Hòn Rơm; Legend Sea với quy mô tổng thể 278 ha tại xã Tiến Thành; Du lịch Delverton Việt Nam với quy mô 100 ha tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình. Cùng với đó, hạ tầng giao thông đến Bình Thuận đang hoàn thiện cũng là một điểm cộng; quốc lộ 1A mở rộng; cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết khẩn trương xúc tiến để khởi công; sân bay Phan Thiết và cảng Vĩnh Tân đã khởi công xây dựng.

Du lịch phát triển đã kích thích sự phát triển các ngành kinh tế khác, góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Bình Thuận. Năm 2015, GRDP du lịch chiếm tỷ trọng khoảng 7,5% GRDP của tỉnh.

Ngành du lịch phát triển đã giải quyết thêm nhiều công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho lao động ở địa phương, đặc biệt là lao động nông thôn, lao động các vùng ven biển. Lượng lao động trực tiếp làm việc trong lĩnh vực du lịch tại tỉnh tăng bình quân từ năm 2008 đến nay khoảng 13,55%, hiện có khoảng trên 20.000 lao động. Lao động gián tiếp thuộc các ngành sản xuất, dịch vụ có liên quan đến hoạt động du lịch như sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, khai thác chế biến, cung cấp nguyên, nhiên vật liệu, bảo hiểm, y tế, thông tin truyền thông, xe taxi, xe bus, vệ sinh môi trường…khoảng 30.000 người.

Với những bước tiến dài và bền vững, du lịch Bình Thuận không chỉ trở thành ngành kinh tế trọng điểm của địa phương (chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế) mà còn là điểm sáng nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam. Cùng với thương hiệu được khẳng định sau 21 năm hội nhập và phát triển, du lịch Bình Thuận đang hướng tới tương lai bằng sự tự tin của một điểm đến mang tầm cỡ quốc gia và khu vực. Bộ Chính trị định hướng phát triển Bình Thuận trong tương lại với 03 trung tâm quy mô quốc gia, trong đó có trung tâm Du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII, nhiệm kỳ (2015 – 2020) cũng đã xác định nhiệm vụ phát triển du lịch bền vững, phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, xây dựng và triển khai thực hiện tốt Đề án trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia.

Tuy đạt được những thành quả to lớn trên, song phía trước du lịch Bình Thuận vẫn còn phải đương đầu với nhiều khó khăn như: Cơ chế chính sách đầu tư vẫn còn những bất cập, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch vẫn chưa theo kịp yêu cầu tăng trưởng kinh tế; tiến độ đầu tư các dự án du lịch trên một số địa bàn còn chậm; số cơ sở kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao còn ít và chậm đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch mới, các khu giải trí, các trung tâm mua sắm quy mô lớn, hiện đại... đã hạn chế đến mức chi tiêu của du khách trong tiêu dùng cũng như kéo dài ngày nghỉ của du khách tại địa phương; môi trường du lịch nhìn chung vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là các khu vực nội thị thành phố Phan Thiết và lân cận; tình trạng rác thải, nước thải đang tiếp tục gây ô nhiễm nặng tại một số vùng du lịch trọng điểm như: bãi biển và công viên Đồi Dương, bãi biển từ Hàm Tiến đến Hòn Rơm, các chợ nội thành...; nạn lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, họp chợ, giữ xe, nạn bán hàng rong, ăn xin, cò mồi, chặt chém... vẫn còn khá phổ biến đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường du lịch của tỉnh.

Khắc phục những khó khăn, hoàn thành những mục tiêu đã đề ra là cả quá trình phấn đấu lâu dài của Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận. Hiện tỉnh đã và đang tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng như sau: Triển khai thực hiện tốt Đề án trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia; xây dựng và giữ vững thương hiệu quốc gia khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né; tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, thực hiện xã hội hóa đầu tư các khu du lịch cộng đồng, các khu vui chơi giải trí; tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các dự án triển khai, đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án du lịch đã được cấp phép đầu tư, có điều kiện nhưng chậm triển khai; khai thác các tiềm năng, lợi thế về biển, đảo, núi, đồi và những giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương để phát triển mạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, du lịch sinh thái; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, liên kết với các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận để hình thành các tour, tuyến du lịch nhằm thu hút mạnh du khách; làm tốt khâu kiểm tra, đánh giá chất lượng các khu, điểm, cơ sở du lịch, đồng thời coi trọng việc cảnh báo, phòng, cứu hộ, bảo vệ tính mạng của du khách; đặc biệt quan tâm vấn đề môi trường (cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội), vệ sinh an toàn thực phẩm; không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ và các hoạt động lễ hội; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch. Chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nâng chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng phục vụ du lịch.

Du lịch Bình Thuận không những rất tự hào về 21 năm hội nhập và phát triển với sự năng động của một thương hiệu du lịch quốc gia đã được khẳng định, mà còn có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam, đưa hình ảnh, điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện và chất lượng đến với bạn bè khắp thế giới.


Các tin khác