Bằng nhiều nguồn vốn lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu của tỉnh, trong 5 năm đã đầu tư 364 tỷ đồng, trong đó đầu tư kết cấu hạ tầng 253,4 tỷ đồng. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng ở 15 xã thuần và các thôn xen ghép được thực hiện khá tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện đồng bộ, lồng ghép các chương trình, dự án đã làm thay đổi lớn bộ mặt nông thôn miền núi. Đến nay, 100% số xã dân tộc, miền núi có trụ sở làm việc kiên cố, có đường ô tô đến trung tâm xã và các thôn - bản, có điện sinh hoạt, có trạm y tế, có đủ các loại hình trường lớp từ mầm non đến THCS; 9/11 xã vùng cao có nhà công vụ; 8/11 xã vùng cao có cửa hàng bách hóa bán lẻ và 16 đại lý dịch vụ tại các thôn xen ghép; 90% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia... Nhiều công trình trọng điểm ở vùng cao được đầu tư, nâng cấp, nhất là các công trình thủy lợi như: Đập Ruộng Phùm, đập Chu Rí (Phan Dũng - Tuy Phong); đập Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến; đập Mắc cỡ (Mỹ Thạnh - Hàm Thuận Nam); đập Sông Dinh (Hàm Cần - Hàm Thuận Nam); trạm bơm Đức Bình, kênh mương Phan Điền, Phan Tiến; hồ Đatrian (La Dạ); hồ Sa luon (Đông Giang - Hàm Thuận Bắc)… Từ các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, ngân sách Tỉnh đã đầu tư kinh phí 18.696 triệu đồng xây dựng 40 công trình kết cấu hạ tầng ở 9 xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và 45 công trình thiết yếu trị giá 22.697,5 triệu đồng cho 10 xã nghèo. Việc đầu tư các công trình hạ tầng nói trên trong những năm qua đã góp phần làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn ở các xã miền núi, vùng sâu, xã bãi ngang ven biển; tạo điều kiện cho nhân dân phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống.
Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho xã nghèo, vùng nghèo chưa tập trung, trọng điểm, đầu tư còn dài trải, mức đầu tư thấp, chưa đồng bộ, tiến độ triển khai các công trình còn chậm. Cơ chế quản lý đầu tư một số nơi chưa rõ ràng, chưa chặt chẽ, chưa thực hiện tốt nguyên tắc "xã có công trình, dân có việc làm" để tạo thu nhập góp phần ổn định cuộc sống người nghèo.