Bình Thuận: Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Thuận luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược cơ bản, lâu dài của cách mạng Việt Nam và là vấn đề cấp bách trong xây dựng mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra những chủ trương, chính sách dân tộc đặc thù phù hợp với điều kiện của tỉnh nhà; thường xuyên quán triệt, nâng cao trách nhiệm, nhận thức của hệ thống chính trị, các cấp các ngành và toàn thể xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình mới; chú trọng đầu tư phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát huy quyền làm chủ của đồng bào các dân tộc thiểu số theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"; đồng thời, thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền xem việc vận động và chăm lo lợi ích của nhân dân, của đồng bào các dân tộc thiểu số là một trong những nội dung chủ yếu trong hoạt động và căn cứ vào đặc điểm từng dân tộc, từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số để hoạch định các chủ trương, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển bình đẳng giữa các dân tộc.

Với ý thức trách nhiệm và lòng tin yêu Đảng, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh Bình Thuận đã không ngừng phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tương thân, tương ái, thực hiện tốt chủ trương "Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển", tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng trong sạch vững mạnh, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Để tiếp tục xây dựng và duy trì mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể các cấp cần nắm vững các quan điểm, chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, việc dựa vào dân, tranh thủ ý kiến của nhân dân để hoạch định các chủ trương, chính sách dân tộc phù hợp, thuận với lòng dân; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc để nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền.  Đặc biệt, coi trọng xây dựng, phát huy vai trò của các vị chức sắc, già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số làm cầu nối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Xây dựng, nhân rộng, biểu dương, khen thưởng những gương “Người tốt, việc tốt”, các mô hình, điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, nhất là ở xã, thôn thật sự trong sạch, vững mạnh và đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, trong sáng, gần gũi, gắn bó, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, làm cho dân thấy, dân tin. Chú trọng hướng dẫn, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ ở khu vực nông thôn, chi đoàn, chi hội đoàn thể địa bàn dân cư, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mạnh dạn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát huy đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số tại chỗ, phân công các đồng chí có năng lực nắm giữ các vị trí chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, làm lực lượng nòng cốt trong công tác chính trị của Đảng đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác giao lưu, kết nghĩa giữa các lực lượng vũ trang, sở, ngành, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện với các xã, thôn vùng dân tộc và giữa các xã giáp ranh với xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng chương trình phối hợp thực hiện công tác dân tộc giữa Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, ban, ngành, tạo sức mạnh tổng hợp, đồng bộ trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc. Huy động các nguồn lực giúp đồng bào giải quyết những vấn đề khó khăn, tạo mối quan hệ đoàn kết thống nhất trong đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, giữa cán bộ và nhân dân.

Với những giải pháp trọng tâm đó, đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ tin tưởng hơn vào các chủ trương, đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng gắn bó mật thiết hơn nữa, góp phần tích cực vào sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

           

                                


Các tin khác

TIN NỔI BẬT