Bình Thuận: Tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm kịp thời, nghiêm túc. Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các sở, ngành của tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và Chỉ thị số 53-CT/TU, ngày 05/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đồng chí Huỳnh Thanh Cảnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW

Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã đạt những kết quả nổi rõ: Toàn tỉnh đã tổ chức 06 hội nghị, 837 lớp tuyên truyền cho 14.328 lượt cán bộ, công chức và nhân dân; phát hành 800 tập tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; xác định công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành và từng cơ quan, đơn vị. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là giữa các cơ quan chức năng trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường, thực hiện chặt chẽ hơn. Nhờ đó, nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, tồn đọng kéo dài được tập trung giải quyết dứt điểm, số vụ còn tồn đọng không nhiều. Qua rà soát, toàn tỉnh có 17 vụ khiếu tố phức tạp, tồn đọng, kéo dài; đến nay, đã giải quyết 14/17 vụ việc, đạt 82,35%. Công tác tiếp công dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phản ảnh, kiến nghị được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tỷ lệ giải quyết đơn thư trung bình hàng năm trong 05 năm qua đạt cao; trong đó, riêng các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh có tỷ lệ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đạt 92,87%; tỷ lệ giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị đạt 94,09%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, thiếu sót và xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. Hoạt động giám sát của HĐND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp được tăng cường, nhất là cấp tỉnh. Công tác hòa giải ở cơ sở được đẩy mạnh, kết quả hòa giải thành đạt cao, góp phần giảm thiểu tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở. Đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm củng cố, kiện toàn, trình độ, năng lực được nâng lên so với trước. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được quan tâm đầu tư, việc ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh… tạo thuận lợi cho công dân và cán bộ, công chức tiếp công dân trong thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng các sở, ngành chưa quan tâm đúng mức, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa tập trung rà soát giải quyết dứt điểm, kịp thời các đơn thư thuộc thẩm quyền; một số vụ việc giải quyết còn kéo dài, quá thời hạn… dẫn đến công dân bức xúc, khiếu nại nhiều lần, vượt cấp. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo tại các sở, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, kết quả còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa một số địa phương với các cơ quan chức năng trong giải quyết một số vụ việc phức tạp, kéo dài chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Công tác phối hợp của chính quyền một số địa phương trong việc cung cấp thông tin, tài liệu cho tòa án (chủ yếu liên quan đến đất đai) nhiều trường hợp chưa kịp thời, thậm chí còn kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết, xét xử của tòa án. Việc tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thường xuyên. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa thường xuyên, chưa sâu kỹ nên nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Tình hình đơn thư gửi vượt cấp, gửi không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết chiếm tỷ lệ rất cao (gần 80%); tình trạng khiếu kiện đông người còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở địa phương. Năng lực của một số công chức, viên chức làm nhiệm vụ tham mưu, phục vụ tiếp công dân và xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo (kể cả chuyên trách và kiêm nhiệm) có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng tốt yêu cầu…

Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Chỉ thị số 53-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khó XII) và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu như sau:

Một là, tiếp tục đổi mới, tăng cường và nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung tuyên truyền Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hai là, các cấp, các ngành, trước hết là bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các cấp từ tỉnh đến cơ sở, thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, trưởng các phòng, ban chuyên môn cấp huyện tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác tiếp dân theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân và Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị (khóa XII). Đồng thời, người đứng đầu cần tập trung chỉ đạo giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và của cấp trên giao, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; giải quyết tốt đơn tố cáo phát sinh liên quan đến cán bộ, công chức và đảng viên, nhất là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý để phục vụ công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ba là, các cấp, các ngành, các địa phương thường xuyên nắm chắc tình hình, phối hợp giải quyết kịp thời các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện ngay từ lúc mới phát sinh, hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp. Coi trọng và làm tốt công tác đối thoại, công tác dân vận trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ khiếu kiện tập thể; thực hiện tốt hơn nữa việc hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, phải giáo dục, phê phán, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp cố tình lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để xúi giục, kích động, lôi kéo người khác tham gia khiếu nại, tố cáo, gây mất an ninh, trật tự ở địa phương. Mặt khác, cần rà soát các chính sách, quy định liên quan đến quyền lợi của người dân đã ban hành để điều chỉnh, bổ sung hoặc bãi bỏ cho phù hợp với quy định hiện hành hoặc kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương xem xét điều chỉnh, xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, nhất là các chính sách liên quan đến công tác đền bù và tái định cư.

Bốn là, tiếp tục thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là công khai quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức và công dân theo dõi, giám sát, phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những sai sót, khuyết điểm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tăng cường giám sát việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng giám sát các vụ việc khiếu kiện bức xúc, gay gắt, kéo dài; đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng hòa giải ở cơ sở.

Sáu là, các cấp ủy, chính quyền, các ngành và các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở tiến hành rà soát, củng cố, kiện toàn công chức thực hiện nhiệm vụ (hoặc tham mưu) về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo số lượng và chất lượng; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho công chức ngành thanh tra và các cơ quan liên quan; quan tâm bố trí nơi tiếp dân theo quy định, nhất là ở cấp xã.

Bảy là, tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh với Tòa án nhân dân tỉnh trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT