Bình Thuận: Phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong phát triển kinh tế - xã hội

Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận có trên 31.000 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, trong đó có trên 21.000 người trình độ đại học, gần 1.000 người có trình độ trên đại học đang hoạt động trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng…; thời gian qua, đội ngũ trí thức tỉnh Bình Thuận đã tích cực đóng góp vào việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong đời sống sản xuất, góp phần đưa tỉnh nhà tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ  đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước khẳng định: “Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”. Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, những năm qua cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra để tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.

Đầu tư cơ sở vật chất

Việc huy động các nguồn lực đầu tư, nhất là trên các lĩnh vực về khoa học - công nghệ, giáo dục và y tế để tạo điều kiện, môi trường cho đội ngũ trí thức phát huy vai trò, trách nhiệm luôn được tỉnh quan tâm. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã bố trí trên 1.680 tỷ đồng (chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh) để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho các trạm, trại, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, bệnh viện, trường học…. Đặc biệt, tỉnh đã đầu tư xây dựng mới và đưa vào sử dụng Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; mua sắm nhiều loại trang thiết bị cho Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng; xây dựng mới Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Hưng Đạo; nâng cấp Trường Trung cấp Nghề thành Trường Cao đẳng Nghề, Trường Trung học Y tế thành Trường Cao đẳng Y tế, thành lập Trường Cao đẳng Cộng đồng trên cơ sở sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm và một số trung tâm đào tạo của tỉnh; đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Y học cổ truyền và phục hồi chức năng; mở rộng, nâng cấp các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực và kiên cố hoá, nâng cấp các trường học... Bên cạnh đó, các thành phần kinh tế cũng tích cực tham gia đầu tư theo phương thức xã hội hóa các cơ sở giáo dục và y tế ngoài công lập; đến nay, đã có 05 cơ sở y tế và nhiều trường học được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn trên 565 tỷ đồng đã đi vào hoạt động.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút trí thức  

Tỉnh ban hành chính sách nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức không ngừng học tập nâng cao trình độ và thu hút trí thức như Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ sau đại học ở nước ngoài; ban hành quy định chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân nhân lực ngoài tỉnh có trình độ cao, chuyên môn giỏi (tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa I, bác sỹ chuyên khoa II) về công tác tại tỉnh; ban hành chính sách thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ…. đã có 36 người được cử đi đào tạo (03 tiến sỹ, 33 thạc sỹ) ở nước ngoài, trên 25.300 lượt cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ … với tổng kinh phí từ nguồn ngân sách hơn 33,5 tỷ đồng.

Đồng chí Huỳnh Văn Tí, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận phát biểu tại Buổi gặp mặt

 Vai trò đội ngũ trí thức được phát huy

Trong công tác nghiên cứu khoa học, đội ngũ trí thức tỉnh nhà đã có nhiều cố gắng để chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống. Một số đề tài, dự án được người dân ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình sản xuất rau trên đất cát, mô hình tưới tiết kiệm nước, biện pháp khắc phục ruồi đục quả trên trái thanh long, sản xuất chế phẩm sinh học Ometar phòng trừ rầy nâu trên lúa, nuôi dông sinh sản. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với các hội thành viên và các sở, ngành liên quan tổ chức được 70 hội thảo khoa học với hơn 4.000 lượt trí thức, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tham gia; điển hình như hội thảo “Nâng cao năng lực tư vấn, phản biện và giám định xã hội”; “Sử dụng bền vững tài nguyên vùng cát ven biển tỉnh Bình Thuận”; “An toàn bức xạ, ảnh hưởng môi trường nước sau khai thác ti tan”; “nông nghiệp và phát triển nông thôn”; “Nâng cao chất lượng Hội thi sáng tạo”; “Đánh giá hoạt động nghiên cứu cơ bản tài nguyên thiên nhiên”; “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015”, “Trí thức Bình Thuận làm theo đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh”…

Ngoài ra, đội ngũ trí thức cũng đã tham gia tích cực vào 14 dự án khoa học - công nghệ của Trung ương, triển khai thực hiện 5 chương trình khoa học - công nghệ cấp tỉnh. Phong trào tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật và cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng ngày càng có nhiều đối tượng, thành phần tham gia; hàng năm có hàng trăm mô hình, sản phẩm, giải pháp dự thi, trong đó có nhiều giải pháp, mô hình đạt giải cao được cử đi tham gia Hội thi toàn quốc. Đội ngũ trí thức của tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Đại hội Đảng các cấp trong tỉnh; tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các dự thảo luật theo yêu cầu. Công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội ngày càng hiệu quả; tính từ năm 2008 đến nay, đội ngũ trí thức đã thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội 30 đề án, dự án, quy hoạch bảo đảm chất lượng, trong đó có nhiều đề án, quy hoạch là cơ sở khoa học để tỉnh phê duyệt như Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đến năm 2020 và các quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng và phát triển đô thị...

Tuy vậy, trước yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đội ngũ trí thức tỉnh Bình Thuận vẫn còn một số hạn chế: Trí thức có trình độ cao về chuyên môn còn ít, nhìn chung trình độ giao tiếp ngoại ngữ còn hạn chế; một số nghiên cứu khoa học chưa thực sự sát với tình hình thực tế của địa phương. Việc thu hút đội ngũ trí thức có trình độ và tay nghề cao ở lại công tác trong các cơ quan nhà nước còn khó khăn, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục; sinh viên tỉnh nhà sau khi tốt nghiệp đại học hoặc hoàn thành chương trình sau đại học không tìm được việc làm vẫn còn nhiều. Kinh phí ngân sách đã được quan tâm song vẫn chưa đáp ứng cho việc thực hiện các đề tài, đề án.

Để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Bình Thuận trong thời gian tới, thiết nghĩ cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp cần có chiến lược đào tạo, tuyển dụng, bố trí cán bộ theo tinh thần trọng dụng người có tài, có đức và bảo đảm phát huy được năng lực chuyên môn, sở trường của họ. Tiến hành rà soát, bổ sung các chính sách mới bảo đảm để trí thức được hưởng đầy đủ quyền lợi về vật chất, tinh thần tương xứng với thành quả lao động sáng tạo mà họ đã làm ra. Xây dựng và thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về tiền lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt... đối với trí thức làm việc ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, trí thức là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Huy động các nguồn lực đầu tư kinh phí, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng trong hoạt động khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế, văn hoá và văn nghệ; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học gắn với đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức thường xuyên tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội, các đề tài nghiên cứu khoa học…Phát huy vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trong việc vận động, tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức trong tỉnh để phục vụ sự nghiệp công hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT