MỘT SỐ KẾT QUẢ QUA 10 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 06/2004/CT-TTg CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Đồng bào Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có 8.329 hộ với 41.183 khẩu, chiếm 3,26% tổng dân số toàn tỉnh. Qua hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới; tình hình dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào Chăm tỉnh Bình Thuận có nhiều chuyển biến khởi sắc.

Các cấp, các ngành trong tỉnh đã tổ chức quán triệt, xây dựng các chương trình, kế hoạch và chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là: Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện cả về trồng trọt và chăn nuôi; diện tích chủ động nước được mở rộng, hệ số sử dụng đất và năng suất lúa nước tăng khá. Kết cấu hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư xây dựng; 100% xã có đường ô tô nhựa đến trung tâm xã; 100% xã, thôn có điện sinh hoạt, trạm y tế, nhà văn hóa, điểm bưu điện văn hóa xã, trường học (từ mầm non đến trung học cơ sở); 100% xã và 90% thôn được đầu tư hệ thống nước sinh hoạt tập trung; các xã thuần đồng bào Chăm đều có chợ mua bán hàng hóa. Chương trình xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào Chăm được triển khai đạt kết quả bước đầu. các lĩnh vực văn hoá - xã hội và chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 25% (năm 2004) xuống còn 5% (năm 2014); một bộ phận đồng bào Chăm có thu nhập khá, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Chăm có nhiều khởi sắc. Đồng bào Chăm được quan tâm tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng theo quy định của pháp luật; các cơ sở thờ tự, công trình kiến trúc văn hóa và bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào được gìn giữ và phát huy. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào Chăm được giữ vững. Lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố. Hệ thống chính trị ở cơ sở từng bước được xây dựng, củng cố; đặc biệt, đội ngũ cán bộ được tập trung đào tạo, bồi dưỡng và có bước trưởng thành đáng kể. Trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và vùng đồng bào dân tộc Chăm nói riêng ngày càng được tăng cường…

Tuy nhiên, so với mục đích và yêu cầu đề ra thì việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế; đáng lưu ý là: Kinh tế vùng đồng bào Chăm phát triển thiếu bền vững; hiệu quả hoạt động của các làng nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp chưa cao; vẫn còn một bộ phận nông dân thiếu đất, thiếu vốn sản xuất. Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm kết quả đạt thấp. Chất lượng giáo dục, y tế, xây dựng đời sống văn hóa còn có khoảng cách so với một số địa phương khác trong toàn tỉnh; một số tập tục lạc hậu chưa được khắc phục triệt để; ý thức vệ sinh phòng bệnh của một bộ phận dân cư còn kém. Trật tự an toàn xã hội có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở có mặt còn hạn chế.

Thời gian tới, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở phải tiếp tục chăm lo phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; hỗ trợ, khuyến khích đồng bào Chăm phát triển kinh tế trang trại, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên cơ sở chọn các loại giống tốt, có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định; tăng cường tập huấn, hướng dẫn đồng bào ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả cây trồng, vật nuôi. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nghề truyền thống đi đôi với thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo thêm việc làm cho đồng bào, nhất là những hộ còn thiếu đất sản xuất nhưng địa phương không còn quỹ đất để giải quyết. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” trong vùng đồng bào Chăm. Khẩn trương triển khai thực hiện quy hoạch bố trí lại các khu dân cư mới, gắn với tuyên truyền, vận động đồng bào tích cực bảo vệ môi trường; xây dựng xóm làng xanh, sạch, đẹp. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa vùng đồng bào Chăm. Giữ vững chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở và phổ cập mầm non cho trẻ em 05 tuổi, chú ý đẩy mạnh việc dạy tiếng Chăm ở các thôn xen ghép. Thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho đồng bào ngay tại cơ sở. Tiếp tục đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào Chăm. Hết sức coi trọng việc quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách đoàn kết dân tộc, qua đó động viên cán bộ, nhân dân vùng đồng bào Chăm tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, giữ gìn an ninh trật tự; nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc và âm mưu phá hoại của kẻ xấu. Đồng thời, làm tốt công tác vận động, tranh thủ và phát huy vai trò tích cực của người có uy tín, nhân sĩ, trí thức người Chăm để nắm dân và chủ động tham gia giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng người Chăm, không để bị động, bất ngờ, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động gây chia rẻ khối đoàn kết các dân tộc. Tiếp tục chỉ đạo củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở vùng đồng bào Chăm, trước hết là xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh đi đôi với đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở có phẩm chất và năng lực để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tăng cường chỉ đạo các biện pháp bảo đảm an ninh - quốc phòng và trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào Chăm...


Các tin khác

TIN NỔI BẬT