Hợp nhất sổ đỏ, sổ hồng từ 1/8

  • /
  • 6.7.2009 - 0:0

Hôm 3/7, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.

Hình tại phiên họp

Theo đó, từ 1/8 sắp tới sẽ gộp sổ đỏ, sổ hồng thành một giấy.

Không bắt buộc đổi giấy

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Bích Đạt, tên loại giấy mới này là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

Khoản 20 điều 4 của Luật Đất đai được sửa đổi, bổ sung như sau: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thống nhất thành một giấy. Theo đó, UBND cấp tỉnh, huyện sẽ là cơ quan có thẩm quyền cấp.

Các loại giấy chứng nhận đã cấp trước thời điểm luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị pháp lý, không phải đổi lại nếu không có nhu cầu.

Trường hợp người đã được cấp giấy chứng nhận có nhu cầu thì được đổi sang loại giấy mới mà không phải nộp lệ phí.

Việc sửa đổi nhằm xác lập tính pháp lý cho người có quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết khiếu kiện kéo dài.

Ngoài ra, luật cũng sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến luật đấu thầu, chẳng hạn sẽ tăng chế tài xử lý vi phạm trong sử dụng lao động trái phép.

Thêm nhiều kiều bào được mua nhà từ 1/9

Có hiệu lực từ 1/9/2009, Luật sửa đổi bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai đã mở rộng thêm nhiều đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ được mua và sở hữu nhà ở trong nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang, Điều 126 Luật Nhà ở sửa theo hướng những người đang định cư ở nước ngoài có (còn) quốc tịch Việt Nam, được cơ quan có thẩm quyền cho phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì "có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam".

Tương tự, điều 121 của Luật Đất đai sửa đổi kèm theo nhằm quy định rõ hơn về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở của kiều bào được mua và sở hữu nhà ở trong nước. Một trong những quy định "thoáng" hơn là kiều bào được phép cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng.

So với công dân Việt Nam thì kiều bào chỉ bị hạn chế hơn hai quyền là quyền góp vốn và quyền bảo lãnh bằng tài sản là nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.

Theo tính toán, hiện đang có khoảng 70% trong tổng số hơn 3 triệu người Việt Nam đang ở nước ngoài vẫn đang giữ quốc tịch gốc.

Cũng trong sáng nay, Văn phòng Chủ tịch nước công bố hai bộ luật khác vừa được QH thông qua là Luật Quy hoạch đô thị và Luật Cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài.

Theo Vnn


  • |
  • 1329
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT